Ông là con của Nguyễn Hằng, làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Nghĩa Quận công. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh.
Theo "Phả kí họ Nguyễn làng Xuân Cầu".
Cụ Nghĩa Quận Công tên huý là Tính, tên tự là Hoằng Đạo, tiểu tôn thờ là Biệt chi tổ, có ruộng 2 mẫu. Làng ta báo ân làm đình thờ làm á thần. Có ruộng cúng Tết mười mẫu, đến nay đã được 2 đạo sắc phong làm Thần Hoàng.
35- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU DƯƠNG HÒA NĂM THỨ 6 (1640)
陽 和 六 年 庚 辰 科 進 士 題 名 記 二 十 二
陽和 紀 元 歲 在 庚 辰 當 國 家 盛 治 之 時 正 賢 士 觀 光 之 日 欽 惟 皇 上 陛 下 聖 敬 日 躋 賢 良 詔 舉 寔 賴 大 元 帥 統 國 政 太 上 師 父 功 高仁 聖 清 王 造 就 學 力 整 飭 國 綱 日 昭 至 治 雲 集 英 才 迺 於 是 年 之 春 時 當 大 比 四 方 文 學 之 士 歌 鹿 鳴 而 來 角 藝 春 圍 者 六 千 餘 人 有 司 閱 其 入 彀 者 二 十 二 名 以 其 名 聞 翌 日 殿 試 皇 上 臨 軒 進 而 親 策 命 題 調 少 保 蘭 郡 公 臣 黃 義肥 知 貢 舉 吏 部 左 侍 郎 壽 海 侯 臣 陳 有 禮 監 試 禮 部 右 侍 郎 錦 祿 子 臣 阮 評 御 史 臺 僉 都 御 史 福 川 男 臣 阮 壽 春 分 董 其 事 及 奉 讀 進 卷 上 陳 睿 覽曲 垂 鑒 別 賜 費 文 述 等 二 名 進 士 出 身 黃 榮 等 二 十 名 同 進 士 出 身 是 日 禮 部 捧 黃 榜 掛 張 於 大 學 門 天 下 士 庶 聚 首 榮 觀 以 為 快 賭 文 運 泰 亨 真 儒 輩 出 尤 太 平 之 盛 事 也 恩 榮 次 第 貝 如 彝典題 名 刻 石 未 舉 舊 章 乃 命 冬 官 砻 石 刻 之 堅 玫 命 詞 臣 分 撰 記 文 臣 等 祇 奉 明 詔 謹 拜 手 稽 首 而 進 言 曰天 地 生 育 萬 物 必 資 四 时 以 成 功 帝 王 寵 綏 四 方 必 求 群 賢 以 輔 治 是 故 野 無 遺 賢 虞 室 致 雍 熙 之 治 王 多 吉 士 周 家 臻 康 乂 之 休 歷 觀 自 古 願 治 之 君 未 嘗 不 以 用 賢 取 士 為 先務 也 洪 惟 聖 朝 太 祖 高 皇 帝 天 錫 勇 智 業 茂經 綸 設 學 監 育 材 以 策 試 取 士 而 人 才 之 進 自 此 胚胎 太 宗 文 皇 帝 至 仁 守 成 大 孝 善 繼 於壬 戌 開 科 求 賢 人 自 輔 而 人 才 之 伸 從 玆 孕育 仁 宗 宣 皇 帝 六 館 增 立 以 養 天 下 之 才 三 科 繼 設 以 來 翹 楚 之 士 人 才 以 之 榮 進 聖 宗 淳 皇 帝 道 德 乾 坤 光 華 日月 進 士 有 錄 以 為 萬 世 法 程 題 名 有 碑 以 為 萬 代 龟 鑑 人 才 以 之 鼎 盛 自 是 厥 後 聖 子 神 孫 相 傳 相 繼 成 規 舊 典是 踵 是 遵 雖 中 葉 之 艱 屯 偶 值 然 先 王 之 正 統 尚 存 莊 宗 裕 皇 帝 中 宗 武 皇 帝 英 宗 峻 皇 帝 肇 夏 少 之 謀立 高 祖 之 業 登 用 賢 士 共 圖 紀 綱 寔 賴世 祖 明 康 太 王 翊 扶 日 月 再 造 國 家 收 豪 傑 備 僚 屬 設 制 科 拾 人 材 而 異 人 傑 士 濟 濟 雲 趨 敬 宗 惠 皇 帝 應 天 人 之 會 綏 海 宇 之民 收 拾 賢 才 以 開 至 治 允 資 成 祖 晢 王 恢 復 輿 圖 計 安 社 稷 為 後 世 立 宏 規 設 科 場 求 俊 士 而 碩 輔 名 公 彬 彬 彙 進 至 今 益 盛 欽 惟 皇 上 陛 下 光 膺 景 命 嗣 守 丕 基夙 寤 晨 興 務 以 求 賢 寔 賴 大 元帥 統 國 政 太 上 師 父 功 高 仁 聖 清 王 粉 飭 太 平 恢 張 治 具 國 家 之 重 任 擔 當 天 下 之 賢 才 收 蓄 專 委 元 帥 掌 國 政 西 定 王 設 科 取 士 用 人 行 政 當 此 之 時 治功 已 成 思 保 其 所 以 成 制 度 未 備 深 求 其 所 以 備 特 念 夫 自 恢 復 以 來 制 科 進 士 諸 科 題 名 刻 石 經 始 未成 自 非 獎 表 激 勸 安 能 成 先 志 之 所 未 成 備 前 聖 之所 未 備 耶 所 以 堅 玫 有 刻 紀 實 有 文 留 寘 在 賢 關 用 勸 多 士 寵 任 極 其 隆 制 度 極 其 備 真 曠 古 而 再 見 也 歟 且 是科 以 將 相 之 才 為 明 時 之 用 內 外 均 任 歷 試 仕 途 迭更 眾 職 政 事 深 戒 紛更 議 論 務 在 寬 厚 其 勳 名 事 業 愈 久 而 益 彰 矣 倘 或 終 始 參 差 表 中 玉 石 外 剛 而 內 柔 先 貞 而 後 黷 後 來觀 斯 石 者 指 其 名 曰 某 也 正 直 君 子 某 也 邪 曲 小 人 公 論 昭 昭 名 節 凜 凜 可 不 慎 哉 然 則 斯 石 乃 名 教 之砥 柱 綱 常 之 根 基 目 之 者 有 所 準 的 有 所 規 戒 益 見 皇 王 億 萬 年 太 平 之 治 永 奠 於 泰 山 磐 石 矣 臣 謹 記
翊運 贊 治 功 臣 特 進 金 紫 榮 祿 大 夫 禮 部 尚 書 兼 翰 林 院 侍 講 參 掌 翰 林 院 事 拔 郡 公 上 柱 國 臣 楊 致 澤 奉 敕 潤 光 進 慎 祿 大 夫 翰 臨 院 校 理 榮江 男 臣 阮 文 澧 奉 敕 撰
中書 監 華 文 學 生 東 岸 縣 扶 軫 社 臣 阮 領 奉敕 書
皇越 盛 德 元 年 十 一 月 十 六 日 立
賜 第 二 甲 進 士 出 身 二 名
費 文 述 白 鶴 上 微 社
陳 玉 厚 嘉 林 縣 樂 道 社
賜 第 三 甲 同 進 士 出 身 二 十 名
黃 榮 真 定 縣 大 黃 社
楊 澔 嘉 林 縣 樂 道 社
張 光 前 瑞 原 縣 金 鑊 社
阮 性 文 江 縣 花 球 社
阮 公 造 嘉 定 縣 大 拜 社
阮 文 廣 丹 鳳 縣 山 桐社
黎 秉 忠 弘 化 縣 月 圓 社
鄭 良 弼 錦 江 縣 魯 舍 社
黎 仁 澈 農 貢 縣 古 堆 社
黎 兼 弘 化 縣 沛 梂 社
鄭 文 俊 瑞 源 縣 俊 傑 社
杜 文 總 慈 廉 縣 上 安 快 社
鄧 純 仁 錦 江 縣 錦 山 社
范 竇 青 沔 縣 釆石 社
阮 文 湍 石 河 縣 芷 洲 社
吳 仁 濬 安 豐 縣 望 月 社
陳 文 選 安 勇 縣 黃 麻 社
郭 同 德 東 岸 縣 浮 溪 社
武 榮 進 唐 豪 縣 扶 擁 社
陳 如 淵 唐 豪 縣 瑞 莊 社
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU DƯƠNG HÒA NĂM THỨ 6 (1640)
Niên hiệu Dương Hòa vào năm Canh Thìn, gặp thời nước nhà thịnh trị, chính buổi trọng danh hiền.
Kính nay Hoàng thượng bệ hạ, thánh đức càng cao, xuống chiếu tiến cử người hiền. Thực nhờ Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương đào tạo thực học, chỉnh đốn kỉ cương, trị bình ngày sáng, anh tài như mây họp. Bèn vào mùa xuân năm ấy mở khoa thi Hội. Kẻ sĩ văn học bốn phương hát thơ Lộc minh mà đến, cùng nhau tranh đua tài nghệ ở chốn xuân vi đông đến trên 6.000 người. Quan hữu ty chọn được hạng trúng cách 22 người ghi tên tâu lên.
Hôm sau vào Điện thí, Hoàng thượng ngự ở hiên điện đích thân ra bài văn sách. Sai Đề điệu là Thiếu bảo Lan Quận công Hoàng Nghĩa Phì, Tri Cống cử là Lại bộ Tả Thị lang Thọ Hải hầu Trần Hữu Lễ, hai viên Giám thí là Lễ bộ Hữu Thị lang Cẩm Lộc tử Nguyễn Bình, Ngự sử đài Thiêm Đô Ngự sử Phúc Xuyên nam Nguyễn Thọ Quyến chia giữ các việc.
Đến khi dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xét duyệt và định thứ bậc. Cho bọn Phí Văn Thuật 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Hoàng Vinh 20 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày hôm đó, Bộ Lễ đem bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Sĩ tử và dân chúng trong nước xúm đến xem bảng, đều vui mừng cho là văn vận hanh thông, chân Nho nối nhau xuất hiện, thật là sự kiện lớn lao trong đời thái bình. Việc ban ơn theo thứ bậc đều theo lệ cũ, duy việc khắc đá đề danh chưa kịp cử hành. Nay sai quan Bộ Công mài đá khắc tên, sai từ thần chia soạn bài ký. Bọn thần kính vâng mệnh sáng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Trời đất sinh nuôi muôn vật, ắt phải để cho trải qua bốn mùa mới được thành công; các bậc đế vương vỗ về bốn phương, ắt phải cầu tìm hiền tài giúp trị. Cho nên không bỏ sót người hiền ở chốn đồng quê mà nhà Ngu mới có cuộc trị bình tươi sáng. Vua có nhiều bậc tài giỏi mà nhà Chu mới đạt đến sự tốt đẹp yên vui. Xét các thời đại xưa, chưa từng có vị vua nào muốn cho trong nước trị an mà không lấy việc dùng hiền tài, kén chọn kẻ sĩ làm công việc hàng đầu.
Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế trí dũng trời ban, kinh luân gồm đủ, đặt trường Giám để đào tạo nhân tài, ra bài hỏi sách lược để kén chọn kẻ sĩ, nhân tài thăng tiến bắt đầu từ đây.
Thái Tông Văn hoàng đế là bậc chí nhân, giữ gìn nghiệp lớn, lòng đại hiếu làm bậc giỏi kế thừa, bắt đầu năm Nhâm Tuất mở khoa thi cầu tìm người hiền giúp trị.
Nhân Tông Tuyên hoàng đế đặt thêm sáu quán để nuôi dưỡng nhân tài trong nước, đặt phép thi ba khoa để chọn hạng sĩ tử siêu quần, nhân tài nhờ thế vẻ vang tiến tới.
Thánh Tông Thuần hoàng đế đạo tỏa đất trời, sáng như nhật nguyệt. Tiến sĩ có sách đăng khoa làm phép tắc muôn đời, đề danh có bia treo gương muôn thuở, nhân tài nhờ thế mà thịnh vượng.
Từ đó về sau, con thần cháu thánh nối tiếp kế thừa, nếp cũ khuôn xưa ra sức noi giữ. Tuy giữa chừng gặp bước gian truân, nhưng chính thống của tiên vương vẫn còn. Trang Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế mưu lược dấy nghĩa như Thiếu Khang nhà Hạ, dựng nên cơ nghiệp như Hán Cao Hoàng, cất nhắc trọng dụng lựa dùng hiền sĩ cùng lo sắp đặt kỷ cương. Thực nhờ Thế Tổ Minh Khang thái vương giúp vầng nhật nguyệt, dựng lại quốc gia, chiêu nạp hào kiệt, xếp đặt đầy đủ chức quan, mở Chế khoa chọn lựa nhân tài mà danh sĩ tài giỏi như mây dồn kéo đến.
Kính Tông Huệ hoàng đế ứng vận trời thuận người theo, vỗ yên dân chúng trong nước, thu nạp hiền tài để mở nền thịnh trị. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương khôi phục cơ đồ, giữ yên xã tắc, dựng quy mô to lớn cho đời sau, mở trường thi để tìm người giỏi mà các bậc danh nhân học rộng lớp lớp tiến lên, đến nay lại càng đông đảo.
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ kế thừa mệnh sáng, nối giữ nghiệp lớn, sớm hôm lo lắng, chăm chú cầu hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] điểm tô nền thái bình, khôi phục mở mang triều chính, đảm đương trách nhiệm quốc gia, thu nạp hiền tài thiên hạ, giao trọn quyền cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] mở khoa thi kén kẻ sĩ, dùng người tài để thi hành chính sự. Đang lúc việc trị đã yên, cơ nghiệp giữ gìn vẹn toàn, chế độ có việc gì chưa đủ thì lo tìm cách làm cho đầy đủ. Đặc biệt nghĩ đến việc từ lúc khôi phục đến nay, các khoa thi Chế khoa, Tiến sĩ chưa kịp khắc đá đề danh, chưa tỏ được ý biểu dương khuyến khích, thế thì làm sao hoàn thành được việc người trước chưa hoàn thành, làm cho đầy đủ những việc tiên thánh chưa làm đủ? Vì thế [sai] viết bài ký khắc vào bia đá tốt, đặt ở cửa nhà Thái học để khuyến khích kẻ sĩ. Lòng yêu mến tin cậy thật rất lớn lao, chế độ hết sức đầy đủ, thật xưa nay mới lại được thấy!
Vả lại khoa này, những người có tài văn võ ra giúp thời thịnh sáng, cả trong triều ngoài phủ, trên bước đường làm quan trải thăng trầm thay đổi đều thận trọng giữ gìn chức vụ, luận bàn khoáng đạt đúng đắn, công danh sự nghiệp càng lâu càng rạng rỡ. Còn những kẻ trước sau sai khác, ngoài ngọc trong đá, ngoài cứng trong mềm, trước hay sau dở, thì về sau những người tới xem bia này sẽ chỉ vào tên mà nói: người này là bậc quân tử chính trực, người kia là kẻ tiểu nhân gian tà, công luận rõ ràng, danh tiết nghiêm buốt, há chẳng nên thận trọng sao!
Thế thì bia đá này là cột trụ của danh giáo, nền tảng của cương thường, hễ ai nhìn vào sẽ thấy rõ chuẩn đích, trong lòng nảy ý tự răn đe, càng có ích cho cuộc thái bình thịnh trị ức muôn năm của nước nhà vững như Thái Sơn vậy.
Thần kính cẩn dâng bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Quang tiến Thận lộc đại phu Hàn lâm viện Hiệu lý Vinh Giang nam Nguyễn Văn Lễ1 vâng sắc soạn.
Trung thư giám Hoa văn học sinh Nguyễn Lĩnh người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn vâng sắc viết chữ (chân kiêm chữ triện).
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
❀ ❀ ❀ ❀ ❀ ❀
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
PHÍ VĂN THUẬT 費文述2 người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc.
TRẦN NGỌC HẬU 陳玉厚3 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 20 người:
HOÀNG VINH 黃榮4 người xã Đại Hoàng huyện Chân Định.
DƯƠNG HẠO 楊澔5 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.
TRƯƠNG QUANG TIỀN 張光前6 người xã Kim Hoạch huyện Thụy Nguyên.
NGUYỄN TÍNH 阮性7 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang.
NGUYỄN CÔNG TẠO 阮公造8 người xã Đại Bái huyện Gia Định.
NGUYỄN VĂN QUẢNG 阮文廣9 người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng.
LÊ BỈNH TRUNG 黎秉忠10 người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa.
TRỊNH LƯƠNG BẬT 鄭良弼11 người xã Lỗ Xá huyện Cẩm Giàng.
LÊ NHÂN TRIỆT 黎仁澈12 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
LÊ KIÊM 黎兼13 người xã Bái Cầu huyện Hoằng Hóa.
TRỊNH VĂN TUẤN 鄭文俊14 người xã Tuấn Kiệt huyện Thụy Nguyên.
ĐỖ VĂN TỔNG 杜文總15 người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm.
ĐẶNG THUẦN NHÂN 鄧純仁16 người xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Giàng.
PHẠM ĐẬU 范竇17 người xã Thái Thạch huyện Thanh Miện.
NGUYỄN VĂN SUYỀN 阮文湍18 người xã Chỉ Châu huyện Thạch Hà.
NGÔ NHÂN TUẤN 吳仁濬19 người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong.
TRẦN VĂN TUYỂN 陳文選20 người xã Hoàng Ma huyện Yên Dũng.
QUÁCH ĐỒNG ĐỨC 郭同德21 người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn.
VŨ VINH TIẾN 武榮進22 người xã Phù Ủng huyện Đường Hào.
NGUYỄN NHƯ UYÊN 阮如淵23 người xã Thụy Trang huyện Đường Hào.
Chú thích:
1. Nguyễn Văn Lễ (1605-?) người xã Dương Trai huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hình, tước Vinh Giang nam, Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Vinh Giang tử. Ông là tác giả 4 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1592, khoa 1595, khoa 1604 và khoa 1640.
(Xem chú thích 18, Bia số 21).
2. Phí Văn Thuật (1609-?) người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tự khanh.
3. Trần Ngọc Hậu (1607-?) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay là xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Binh, Bồi tụng, tước Quế Phương tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công. Khi đi thi ông tên là Trần Ngọc Nguyên, sau đổi tên là Trần Ngọc Hậu. Bia Văn miếu Hưng Yên ghi là Dương Ngọc Nguyên.
4. Hoàng Vinh (1614-?) người xã Đại Hoàng huyện Chân Định (nay thuộc xã Tây Lương huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Đại lý Tự khanh, tước Quế Hải tử.
5. Dương Hạo (1615-1672) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay là xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Dương Thuần, làm quan đến Ngự sử đài Đô Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
6. Trương Quang Tiền (1615-1677) người xã Kim Hoạch huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Phúc huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, tước Mai Lâm tử. Sau ông đổi tên là Trương Luận Đạo.
7. Nguyễn Tính (1611-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Nguyễn Hằng, làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Nghĩa Quận công. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh.
8. Nguyễn Công Tạo (1586-?) người xã Đại Bái huyện Gia Định (nay thuộc xã Đại Bái huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri phủ, sau làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
9. Nguyễn Văn Quảng (1613-?) người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là cha của Nguyễn Viết Thứ, làm quan Quốc tử giám Tế tửu. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang.
10. Lê Bỉnh Trung (1594-?) người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
11. Trịnh Lương Bật (1579-1661) người xã Lỗ Xá huyện Cẩm Giàng (nay thuộc huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hình, tước hầu.
12. Lê Nhân Triệt (1612-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Lê Sĩ Cẩn, làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước Quế Hải hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh. Có tài liệu ghi ông là Lê Sĩ Triệt.
13. Lê Kiêm (1597-?) người xã Bái Cầu huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Thanh huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử.
14. Trịnh Văn Tuấn (1585-?) người xã Tuấn Kiệt huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Phú huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu thảo, Chưởng lại.
15. Đỗ Văn Tổng (1607-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc Yên Hòa quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông là cha của Đỗ Văn Luận và Đỗ Công Toản, làm quan Thiêm Đô Ngự sử, tước Xuân Lĩnh bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình.
16. Đặng Thuần Nhân (1607-?) người xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Giàng (nay là xã Cẩm Sơn huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Cấp sự trung Bộ Hộ, tước nam.
17. Phạm Đậu (1610-?) người xã Thái Thạch huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Hùng Sơn huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hình khoa Đô Cấp sự trung, tước nam.
18. Nguyễn Văn Suyền (1589-?) người xã Chỉ Châu huyện Thanh Hà (nay thuộc xã Thạch Trị huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Trước khi đi thi, ông đã giữ chức Tham chính, sau thăng đến Quang lộc Tự khanh.
19. Ngô Nhân Tuấn (1596-?) người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Ngô Nhân Triệt và cháu nội Ngô Nhân Trừng. Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hộ, tước bá.
20. Trần Văn Tuyển (1614-1673) người xã Hoàng Mai huyện Yên Dũng (nay thuộc huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Tể tướng, Thượng thư Bộ Binh, Xuyên Quận công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo. Có tài liệu ghi ông tên là Trần Đăng Tuyển.
21. Quách Đồng Đức (1611-?) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Thiêm sự, sau làm quan Thừa chính sứ.
22. Vũ Vinh Tiến (1620-?) người xã xã Phù Ủng huyện Đường Hào (nay là xã Phù Ủng huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). ông làm quan Tự khanh, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Binh, tước bá.
23. Nguyễn Như Uyên (1613-?) người xã Thụy Trang huyện Đường Hào (nay thuộc xã Trung Hưng huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiến sát sứ, tước tử.
Nguồn:
Viện nghiên cứu Hán Nôm - Viện KHXH
0 Responses
Đăng nhận xét