VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH DẦN NIÊN HIỆU VĨNH THỊNH NĂM THỨ 6 (1710)
Nhân tài là nguyên khí của nước nhà, nguyên khí vững chắc thì thế nước mạnh. Khoa mục là đường chính của sĩ tử, đường chính rộng mở thì thế đạo thái bình.
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ được nhường ngôi, kế thừa cơ nghiệp lớn, nắm giữ vận hội trị bình. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] thiên tư nhân hậu, kính giúp bậc chí khí anh hùng, mở mang văn trị, tôn trọng nho khoa. Bèn vào mùa xuân năm Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 xuống chiếu mở khoa lớn thi Hội sĩ nhân trong nước. Quan hữu ty tâu lên số người trúng cách là bọn Nguyễn Đồng Lâm 21 người. Tiếp đó vào thi Đình trả lời văn sách. Đặc sai Đề điệu là Thiếu uý Cơ Quận công Trịnh Lãng, Tri Cống cử là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Khánh Sơn bá Nguyễn Thế Bá, Giám thí là Bồi tụng Binh bộ Tả Thị lang thự Trung thư giám Hải Khánh tử Nguyễn Công Đổng và Bồi tụng Hình bộ Tả Thị lang Thọ Nhạc tử Nhữ Đình Hiền chia giữ các việc.
Đến khi nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho Phạm Khiêm Ích đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, Nguyễn Công Khuê đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đương 19 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền xướng tên người thi đỗ. Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban cấp cân đai áo mũ, cho dự yến Quỳnh Lâm, thứ lớp ban ơn đúng theo phép cũ. Sĩ tử và dân chúng kinh đô hân hoan reo mừng, đều ca ngợi khoa Tiến sĩ này được nhiều nhân tài.
Sau đó tùy tài năng, những người thi đỗ đều được bổ dụng các chức vụ, có người vào toà Trung thư soạn thảo giấy tờ, có người đội mũ dải trãi coi giữ pháp luật, có người làm quan trải qua các chức cả trong triều ngoài phường, ai cũng được giao giữ các chức việc. Tài năng và kinh lịch của họ cũng đã thấy được đại khái.
Nay nhờ ơn Hoàng thượng sáng suốt quyết đoán, tô điểm nhân văn. Nghĩ việc khắc đá đề danh vốn là thịnh điển sùng Nho của quốc triều nhưng từng bị gián đoạn, chưa có dịp cử hành, bèn sai Bộ Công khắc đá để truyền tới lâu dài, sai từ thần soạn bài ký để chép sự việc.
Bọn thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết cảm kích vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Dùng thuật nhà Nho, thật có giúp ích cho trị đạo. Đặt ra khoa cử cốt để tìm kiếm thu họp anh tài. Danh từ Tiến sĩ bắt đầu có từ đời Thành Chu; từ đời Đường, Tống về sau đều có khoa thi Tiến sĩ. Nước Việt ta, từ đời Lý, Trần hưng quốc cũng trọng việc tuyển chọn khoa giáp, hiệu quả đối với đương thời tưởng cũng có thể thấy được.
Hoàng triều ta thánh tổ thần tông sáng nghiệp, nối đời lưu truyền, chưa từng không lưu tâm chọn hiền tài, mở khoa thi kén kẻ sĩ. Đăng khoa có sách ghi, đề danh có bia Tiến sĩ thì thịnh hành nhất là ở đời Hồng Đức. Sau khi khôi phục cơ đồ, liệt thánh kế thừa, noi theo phép tắc quy chế cũ, tùy lúc đặt khoa thi, hết lòng chú ý tuyển chọn nhân tài, nhưng việc khắc tên vào đá, ghi việc có văn bia thì đến đời Thịnh Đức mới thật đầy dủ.
Từ đó về sau, khoa mục thịnh hành, nhân tài nối nhau xuất hiện, nhưng việc đề danh khắc đá chưa kịp cử hành.
Nay Thánh thượng muốn truy lập bia các khoa trước khiến cho vàng ngọc tương hòa, tỏ ý sự vật đủ đầy, văn chương không sót, chẳng những biểu dương các Tiến sĩ đương thời, lại còn đặc biệt chú ý dựng cho đủ bia các khoa đời trước. Bia cao dựng lên, họ tên ngời sáng, vừa là nêu việc lớn của Nho khoa, vừa là để cho sĩ tử vinh hạnh trông vào. Làm như thế là để bồi bổ sĩ phong, phù trì thế giáo, há chẳng phải là làm vẻ vang đời trước, mà chiếu rọi đời sau hay sao?
Kẻ sĩ sinh vào thời vua sáng, thi đỗ khoa cao, được bổ chức quan lớn, lại được vẻ vang biểu dương như thế, lòng cảm kích phải nên thế nào?
Ắt phải nên đem tấm lòng trong trắng mà đón nhận sự tốt đẹp, trước sau chăm lo đền đáp. Đứng trong triều thì lấy lòng chính trực trung hậu làm gốc, ra làm quan thì lấy thanh liêm siêng năng thận trọng làm đầu; dốc lòng trung vua yêu nước, mài dũa phẩm tiết trung chính chí công, lấy đạo đức mà kính giúp cho bậc nhân chúa, dùng thi thư làm lợi cho dân; vâng mệnh đi sứ ắt phải như Phú Bật không nhục mệnh vua, làm tướng quốc ắt phải như Vương Tăng khoa danh không thẹn. Thế mới là trên không phụ ơn vua khen ngợi, dưới không phụ công bình sinh học hành, như thế thì công danh sự nghiệp chẳng bao giờ mục nát, còn mãi với bia đá này.
Còn nếu như đang hanh thông mà trở nên bế tắc, lời nói trái với việc làm, thì việc hay dở trung tà rõ rệt, phải trái đúng sai rõ ràng, ai ai cũng mắt xem tay chỉ, có thể che đậy được đâu!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham1 vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:
PHẠM KHIÊM ÍCH 范謙益2 người xã Bảo Triện huyện Gia Định.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGUYỄN CÔNG KHUÊ 阮公奎3 người xã Lê Xá huyện Chương Đức.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 19 người:
NGUYỄN ĐƯƠNG 阮璫4 người xã Cao Xá huyện Cẩm Giàng.
LÊ VĨ 黎偉5 người xã Hòa Bình huyện Văn Giang.
NGUYỄN ĐỒNG LÂM 阮同霖6 người xã Ngọc Hoạch huyện Yên Định.
NGUYỄN QUỐC TĨNH 阮國靖7 người xã Ông Mặc huyện Đông Ngàn.
LÊ KHẮC THUẦN 黎克純8 người xã Phù Minh huyện Hoằng Hóa.
NGUYỄN ĐỨC LÃNG 阮德朗9 người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn.
HỒNG HẠO 洪灝10 người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì.
NGUYỄN QUANG DƯƠNG 阮光暘11 ngườixã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.
LÊ HỮU MƯU 黎有謀12người xã Liêu Xá huyện Đường Hào.
ĐỖ LỆNH DANH 杜令名13 người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì.
NGUYỄN VIẾT TÚ 阮曰秀14 người xã Ích Minh huyện Yên Lạc.
PHẠM ĐÌNH KÍNH 范廷鏡15 người xã Vĩnh Lại huyện Thiên Bản.
ĐẶNG KHANH 鄧鏗16 người xã Phú Thị huyện Đông Yên.
QUẢN DANH DƯƠNG 管名洋17 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang.
ĐOÀN QUANG DUNG 段光容18 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm.
PHẠM DUY CƠ 范維基19 người xã Từ Quán huyện Giao Thuỷ.
NGUYỄN ĐĂNG CƠ 阮登基20 người xã Võng La huyện Yên Lãng.
HOÀNG CÔNG BẢO 黃公寶21 người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi.
NGÔ HƯNG GIÁO 吳興教22 người xã Đào Hoa huyện Đông Thành.
Thị nội Thư tả Bộ Binh phiên, người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn Nguyễn Đình Cổn vâng mệnh viết chữ (chân kiêm chữ triện).
Chú thích:
1. Nguyễn Nham (1676-?) người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Ông làm quan Học sĩ, Thự Tham chính Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh. Ông là tác giả 4 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1664, khoa 1680, khoa 1694 và khoa 1710. Xem chú thích 1, Bia số 43.
2. Phạm Khiêm ch (1679-1741) tự là Kính Trai, người xã Bảo Triện, huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh), trú quán tại xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay là xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như: Tả Thị lang Bộ Hình, Tả Thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đốc phủ Thanh Hoa, sau thăng chức Thái tể và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
3. Nguyễn Công Khuê (1686-?) người xã Lê Xá huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây). Ông là cha của Nguyễn Kỳ Nhâm và làm quan Lại khoa Đô Cấp sự trung.
4. Nguyễn Đương (1683-?) người xã Cao Xá huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cao An huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
5. Lê Vĩ (1677-?) người xã Hòa Bình huyện Văn Giang (nay thuộc xã Hoàn Long huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.
6. Nguyễn Đồng Lâm (1679-?) người xã Ngọc Hoạch huyện Yên Định (nay thuộc xã Định Tăng huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
7. Nguyễn Quốc Tĩnh (1687-?) người xã Ông Mặc huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Hương Mạc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử, Đốc đồng xứ Thanh Hoa. Sau khi mất, ông được tặng chức Tham chính. Ông còn có tên là Nguyễn Quốc Minh.
8. Lê Khắc Thuần (1668-1730) người xã Phù Minh huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hình khoa Cấp sự trung.
9. Nguyễn Đức Lãng (1682-?) người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri huyện, sau làm quan Tự khanh, Tham chính.
10. Hồng Hạo (1677-1749) người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình.
11. Nguyễn Quang Dương (1672-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nguyễn Quang Trạch, làm quan Đông các Đại học sĩ. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Nguyễn Công Dương.
12. Lê Hữu Mưu (1675-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Lê Hữu Danh, em của Lê Hữu Hỉ, anh của Lê Hữu Kiều và là cha Lê Trọng Tín. Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Công, Nhập thị Kinh diên. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Công.
13. Đỗ Lệnh Danh (1667-1747) người xã Nhân Mục Cựu huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông là ông nội của Đỗ Lệnh Thiện. Ông làm quan Thượng thư, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.
14. Nguyễn Viết Tú (1671-1752) người xã Ích Minh huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Liên Châu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tế tửu. Sau khi mất, ông được tặng Phó Đô Ngự sử.
15. Phạm Đình Kính (1669-?) người xã Vĩnh Lại huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Vĩnh Hào huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Trước ông đỗ khoa Sĩ vọng, sau giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư, Nhập thị Kinh diên, tước Lai Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) mừng Thanh Thế Tông lên ngôi. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.
16. Đặng Khanh (1665-?) người xã Phú Thị huyện Đông Yên (nay thuộc xã Mễ Sở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiến sát sứ.
17. Quản Danh Dương (1666-1730) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm Thừa chỉ và được cử làm Phó sứ (năm 1729) sang nhà Thanh (Trung Quốc) cảm ơn nhà Thanh trả lại mỏ đồng Tụ Long cho ta, khi đến Yên Kinh ông bị ốm rồi mất. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Công, tước Hoa Phái hầu.
18. Đoàn Quang Dung (1681-1741) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Phụ Quận công và được cử làm Phó sứ (năm 1729) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Có tài liệu ghi ông sau đổi tên là Đoàn Bá Dung.
19. Phạm Duy Cơ (1685-?) người xã Từ Quán huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hình khoa Cấp sự trung.
20. Nguyễn Đăng Cơ (1670-?) người xã Võng La huyện Yên Lãng (nay là xã Võng La huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thị giảng, sau thăng chức Tự khanh, tước Hoa Dĩnh bá.
21. Hoàng Công Bảo (1680-?) người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay thuộc thị trấn huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Hoàng Công Chí và là ông nội Hoàng Bình Chính. Ông làm quan Hàn lâm Thừa chỉ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.
22. Ngô Hưng Giáo (1666-?) người xã Đào Hoa huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Hoa huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An), nguyên quán xã Lý Trai cùng huyện. Ông là cháu nội Ngô Sĩ Vinh và là em Nguyễn Công Trạc. Ông thi xong, chưa kịp vinh quy thì mất.
Nguồn:
Viện nghiên cứu Hán Nôm - Viện KHXH
0 Responses
Đăng nhận xét