Chú thích:
1. Chỉ vua Lê Duy Phường (1729-1732).
2. Tước phong của Trịnh Giang.
3. Đỗ Huy Kỳ (1695-1748) người xã Thử Cốc huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Tâm huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chính sứ, tước bá và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), nhưng trên dường đi thì lâm bệnh và mất. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Lễ.
4. Trần Danh Ninh (1703-1766), người xã Bảo Triện huyện Gia Định (nay thuộc xã Đại Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Trần Phụ Dực, anh Trần Danh Lâm và giữ các chức quan, như Hàn lâm Thị độc, Tri lễ phiên, Nhập thị Bồi tụng, Tả Thị lang, Thượng thư Bộ Lễ, tước hầu. Sau khi mất, ông được truy tặng hàm Thái bảo.
5. Nguyễn Nghiễm (1708-1775) hiệu là Nghi Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngư Cư Sĩ và tự là Hy Tư, người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là thân phụ của Nguyễn Khản, Nguyễn Du và giữ các chức quan như: Tham nhung vụ Hiệp đồng Tán lý, Tham chính xứ Sơn Nam, Tế tửu Quốc tử giám, Hàn lâm Thừa chỉ, tước Xuân lĩnh bá; Hữu Tham tri Bộ Công, tước Xuân linh hầu; Hiệp trấn xứ Thanh Hoa, Thiêm đô Ngự sử, Đô Ngự sử kiêm Đốc trấn Thanh Hoa, Hiệp trấn Nghệ An; rồi thăng Tả Thị lang Bộ Hình và Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Công, Nhập thị Bồi tụng, hàm Thái tử Thiếu bảo; rồi lại thăng Đại ư không, Thượng thư Bộ Hộ, Đại tư đồ, tước Xuân Quận công. Sau khi mất, ông đượcc vua ban tặng tên thụy là Trung Cần, sắc cho các địa phương lập bàn thờ và phong Thượng đẳng thần. Sinh thời, Nguyễn Nghiễm là một nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng.
6. Quản Đình Du (1703-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm Đãi chế.
7. Nguyễn Bá Lân (1701-1786) người xã Cổ Đô huyện Tiên Phong (nay là xã Cổ Đô huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông giữ chức các chức quan, như Phiên tào, Lưu thủ trấn Hưng Hóa, Đốc trấn Cao Bằng, Bồi tụng Thiêm đô Ngự sử, tước Lễ Trạch hầu, rồi thăng Thượng thư Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái tể, tước Quận công .
8. Nguyễn Thì Lượng (1697-?) người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông là con của Nguyễn Nham. Sau khi thi đỗ, ông chưa kịp vinh quy thì mất.
9. Mai Thế Chuẩn (1703-1761) người xã Thạch Tuyền huyện Nga Sơn (nay thuộc huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hữu Thị lang, sau đổi sang võ ban, giữ chức Quyền Phụ sự.
10. Mai Danh Tông (1706-?) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Cao Thành huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiệu thư, tước bá.
11. Trần Danh Lâm (1705-1777) hiệu Khiêm Trai , người xã Bảo Triện huyện Gia Định (nay thuộc xã Đại Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Trần Danh Án, con Trần Phụ Dực và là anh Trần Danh Ninh. Ông giữ các chức quan như: Đốc đồng Cao Bằng, Hàn lâm viện Hiệu lý, tước Trục Nhạc bá; sau thăng Hữu Thị lang Bộ Công, điều đi làm Đốc thị Nghệ An, rồi thăng Thị lang bộ Binh, Bồi tụng Phó Đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Công và Bộ Hộ kiêm chức Ngự sử đài Đô Ngự sử, Thượng thư Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo, tên thụy là Trung Lương .
12. Phạm Nguyên Ninh (1700-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là con Phạm Quang Trạch và làm quan Đông các Hiệu thư. Sau bị tử trận và được truy tặng Hữu Thị lang, tước hầu.
13. Trần Lê Lân (1694-?) người xã Tam Lộng huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Cường huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm Đãi chế.
14. Dương Công Thụ (1696-?) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay là xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại. Sau khi mất được tặng chức Thượng thư, tước Quận công. Có tài liệu phiên là Dương Danh Thụ.
15. Gia Bình: biệt danh của tháng chạp. Đời Ân gọi tháng chạp là Gia Bình.
16. Phạm Khiêm Ích: Xem chú thích 2,
Bia số 58.
0 Responses
Đăng nhận xét